Tìm kiếm tin tức
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 4/2024
Ngày cập nhật 04/05/2024
Tại phiên họp

 Chiều 2/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4/2024 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng Quý II/2024; đồng thời thông qua một số Đề án, nội dung quan trọng. Tham dự có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành và địa phương.

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu đạt được nhiều kết quả quan trọng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 351triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 292triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 17.881 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ...

Hoạt động du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc, duy trì đà phục hồi tích cực. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và tăng 71,2% so với thời điểm năm 2019. Tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ, ước đón khoảng 110.000 khách du lịch, tăng 15,8% và tăng 9,7% doanh thu từ du lịch so với cùng kỳ; đặc biệt, lần đầu tiên, tỉnh ta lọt vào top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất Châu Á.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 4% so với cùng kỳ; lũy kế 04 tháng ước tăng 1,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Bia, xi măng, sợi các loại, dăm gỗ, điện thương phẩm

Đến nay, diện tích lúa đã thu hoạch 17.905ha/28.004 ha, đạt 64% kế hoạch; năng suất bình quân ước đạt 67,5 tạ/ha. Dự kiến toàn tỉnh sẽ thu hoạch xong trước ngày 20/5/2024.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới cho 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.272,5 tỷ đồng, tăng 12 dự án và tăng hơn 4.100 tỷ đồng vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tính đến 30/4, có 281 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.512 tỷ đồng. Về giải ngân vốn đầu tư công, Giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao đến thời điểm báo cáo là 982,383 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch.

Ngoài ra, lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ tiếp tục được quan tâm. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao thiết thực, ý nghĩa.Tình hình lao động, việc làm được quan tâm.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 5 bậc so với năm 2022; đây là kết quả thể hiện được sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) xếp thứ 17, tăng 2 bậc so với năm 2022. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2/14 tỉnh Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024.

Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cho hay, thu ngân sách ước đạt 3.950 tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán, bằng 29% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 3.585,5 tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, bằng 27,8% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 361 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, bằng 52,3% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 68,2%. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 3.738 tỷ đồng, bằng 23% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.110,5 tỷ đồng, bằng 19% dự toán.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Mạnh thông tin về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cần hoàn thành các kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung hoàn thành các chương trình, đề án quan trọng đảm bảo tiến độ theo lộ trình. Trong đó, khẩn trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính đảm bảo hoàn thành trình Bộ Nội vụ trong tháng 5/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các dự án trọng điểm sớm đi vào hoạt động tạo năng lực mới, đặc biệt là các dự án sản xuất công nghiệp. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án mới..

Ngành nông nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất vụ Đông Xuân; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất vụ Hè Thu. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng, khô hạn; chủ động phòng chống hạn hán, ngập mặn; đảm bảo cung cấp đủ điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Đối với nội dung Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành, địa phương gấp rút hoàn thiện, thống nhất các nội dung. Đặc biệt là các đơn vị dự kiến sáp nhập… Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các con số trong đề án cần phải thực chất, nhất là liên quan đến quy mô dân số, hộ nghèo,… chỉ tiêu nào nếu cần thì áp dụng cơ chế đặc thù. Về tiến độ cần phải hoàn thiện để kịp trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm.

 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.736.535
Truy cập hiện tại 141