Tham dự Diễn đàn KNĐMST huyện Quảng Điền mới đây, tôi gặp lại nhiều gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu. Có được điều này là do huyện Quảng Điền xác định KNĐMST tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững. Vì vậy nhiều năm qua, huyện Quảng Điền đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho KNĐMST. UBND huyện đã cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách và các đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST.
Ông Ngô Hợp ở thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành chuyên làm nghề sản xuất mì lát bánh canh khô. Vợ chồng ông luôn tìm tòi học tập và đổi mới hình thức sản xuất. Để phát triển thương hiệu sản phẩm của mình, ông Hợp mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, từ những cọng mỳ khô khi mới đưa vào hoạt động đến nay cơ sở của anh đã có đầy đủ các mặt hàng mỳ gạo lức, bún nghệ, mỳ khang dân và mỳ lát…. Với bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất mỳ lát bánh khô Hồng Loan cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn sản phẩm, doanh thu hơn 150 triệu đồng/tháng và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.
Đoàn viên trẻ Ngô Minh Hiếu, ở thôn Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thực phẩm Trường đại học Nông Lâm Huế mạnh dạn về quê thành lập cơ sở sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú với đặc sản “Đậu phộng tỏi ớt”. Sau 3 năm khởi nghiệp, 2 sản phẩm chủ lục của Hiếu là “Đậu phộng tỏi ớt” và “Đậu phộng rang bốc vỏ” đã có chỗ đứng trên thị trường toàn quốc. Doanh thu trung bình của cơ sở đạt 2,5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động, với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiếu đạt được giải nhất KNĐMST năm 2022 do Tỉnh đoàn tổ chức năm 2022, giải 3 cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh tổ chức và lọt vào TOP 10 Quốc gia của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam.
Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST Quốc gia cho hay, Quảng Điền hiện có nhiều gương mặt thanh niên KNĐMST tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Quảng Điền nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung đang là một trong số ít địa phương đề ra nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tốt nhất cả nước. Tôi đi đến đâu các bạn khởi nghiệp ở các tỉnh, thành khác cũng phải so bì, ghen tỵ với các bạn khởi nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở Huế tôi luôn hỗ trợ sát sườn vì con người Huế rất chịu khó và có ý chí.
Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện những năm trở lại đây có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu ngành nghề trong nông thôn có nhiều thay đổi đáng kể và phát triển đa dạng, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành nghề nông thôn, thủ công truyền thống không ngừng được khôi phục và phát triển ổn định.
Hiện trên địa bàn huyện có trên 500 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô, sản phẩm hàng hóa ngày một đa dạng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ của huyện đã vươn ra thị trường bên ngoài, như: sản phẩm mây tre đan, các sản phẩm từ rau má, các sản phẩm máy móc cơ khí, mì lát khô, nước mắm, đậu phộng rang...
“Hoạt động KNĐMST là một trong những nhân tố chủ đạo, tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trên địa bàn huyện Quảng Điền, với những kết quả đã được xuất hiện nhiều điển hình trong KNĐMST đã thúc đẩy thanh niên, doanh nghiệp thực hiện các dự án khởi nghiệp, dần hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp rộng khắp. Đây cũng chính là những dấu ấn trong hành trình đưa Quảng Điền thành “vùng đất sáng tạo” trong thời gian tới” - Bí thư Huyện ủy Quảng Điền Trần Quốc Thắng khẳng định.