Các sản phẩm nhựa và túi nilon mang lại rất nhiều tiện ích trong cuộc sống, là một phần không thể thiếu của mọi người. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, hơn 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Với đặc tính bền, khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, các sản phẩm nhựa, túi nilon đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên hành tinh này.
Từ năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Kể từ đó đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa; đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa nhằm truyền tải những thông điệp với ý nghĩa kêu gọi xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường biển nói riêng do chất thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Nhằm giảm thiểu “ô nhiễm trắng”, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, cùng với việc xây dựng các chương trình, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phát động các phong trào “Nói không với túi nilon sử dụng 01 lần”, tuyên truyền giảm rác thải nhựa, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân trong giảm thiểu rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon khó phân hủy.
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh được thực hiện đồng bộ, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; môi trường đất, nước, không khí được đảm bảo; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dần được quan tâm đầu tư; toàn tỉnh không có phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các tiêu chí về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, kết quả thực hiện Bộ chỉ số môi trường của Bộ Tài nguyên môi trường công bố hằng năm cho thấy, kết quả của tỉnh Thừa Thiên được đánh giá cao, tăng 19 bậc, từ vị trí 32 năm 2021 lên vị trí 13 năm 2022.
Lực lượng công an, bộ đội, người dân tham gia dọn sạch rác khu vực Cảng cá Thuận An.
Cùng với đó, các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, từ lọc nguồn nước và cung cấp nước, đến bảo vệ khỏi bão và lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon. Xu hướng biến mất và suy thoái của đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng. Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng và hơn 35% diện tích đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc biến mất tính từ năm 1970.
Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đất ngập nước, với chủ đề năm 2024: “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người” với mục tiêu làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên thế giới và Việt Nam.
Vì mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ giá trị đất ngập nước, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; bảo tồn đa dạng sinh học làm nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ hôm nay và mai sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương gửi đến mọi người với thông điệp: sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; vì con người và thiên nhiên: hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi đất ngập nước; bảo tồn đa dạng sinh học.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi trong công tác bảo vệ môi trường. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng, đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà, thực hiện phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo hướng bền vững, tạo tiền đề xây dựng một xã hội tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên”.
“Những hành động thiết thực của chúng ta hôm nay sẽ góp phần vào việc duy trì và bảo vệ trái đất, bảo vệ sự sống của loài người. Một lần nữa thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi kêu gọi cộng đồng dân cư hãy chung tay góp sức cùng chính quyền các cấp bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng 500 dụng cụ túi lưới lưu giữ rác thải nhựa đại dương cho bà con ngư dân bám biển, chi hội nghề cá. Đồng thời thực hiện thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, ra quân vệ sinh môi trường và thu gom rác thải tại khu vực Cảng cá Thuận An.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: