Phải xuất trình CMND khi yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu bản đồ
Từ ngày 1/5, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Đây là một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ.
Ngoài ra, Nghị định quy định phải xuất trình thêm giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, tổ chức khi đại diện cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm cung cấp ngay trong ngày làm việc hoặc theo thời gian thống nhất với bên yêu cầu cung cấp. Từ chối phải trả lời bằng văn bản lý do không cung cấp.
Nghị định quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực để công bố sử dụng thống nhất trong toàn quốc.
Tạm đình chỉ tư cách luật sư nếu “trốn” bồi dưỡng nghiệp vụ
Từ ngày 5/5, Thông tư số 02/2019/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư chính thức có hiệu lực.
Thông tư quy định: Thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu được quy định trong văn bản pháp luật này là 8 giờ/năm. Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng khi: viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong hoặc ngoài nước; viết sách được xuất bản về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp…
Luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai tư tháng.
Ngoài việc chấp hành hình thức kỷ luật, luật sư có trách nhiệm thực hiện bù nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng của năm đó vào năm kế tiếp.
Tăng thời hạn giấy phép cho thuê lại lao động lên tối đa là 60 tháng
Cho thuê lại lao động là nội dung nổi bật tại Nghị định 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động có hiệu lực kể từ ngày 5/5/2019.
Theo đó, Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi tắt là Giấy phép) được kéo dài thời hạn lên tối đa là 60 tháng, thay vì 36 tháng theo quy định hiện hành tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013. Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng thay vì chỉ được gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần gia hạn không quá 24 tháng như hiện nay…
Bãi bỏ 2 điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép: Điều kiện về vốn pháp định; về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Bổ sung 03 công việc vào danh mục công việc được cho thuê lại lao động, bao gồm: quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển; quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí; lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, điều độ, khai thác bay, giám sát bay. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính thay vì bản sao như quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 8/1/2014 …
Tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự
Có hiệu lực từ ngày 28/5, Nghị định 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi như biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo.
Hành vi cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật hoặc sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng sẽ có hình thức xử lý tương tự.
Người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản, văn bản rút tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ và tên, địa chỉ của người rút tố cáo; nội dung tố cáo được rút, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút tố cáo.
Học sinh lớp một sẽ học kỹ năng phòng chống xâm hại
Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, trong đó có tài liệu dạy kỹ năng phòng chống xâm hại.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư 05, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống. Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại.
Một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái có dòng chữ "Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sĩ thăm khám"...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 21/5 .
Thí sinh có bằng trung cấp nghề được cộng tối đa 2 điểm tốt nghiệp THPT
Có hiệu lực từ 23/5, Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, thí sinh được cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề hoặc loại xuất sắc và giỏi với bằng trung cấp; cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp; cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình./.
ĐCSVN