Tìm kiếm tin tức
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Ngày cập nhật 07/06/2019

Chiều ngày 05/6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Phương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, HTX trên địa bàn tỉnh.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX), kinh tế tập thể của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả HTX. Các HTX thực hiện tốt công tác chuyển đổi, đăng ký lại HTX theo đúng nội dung của Luật HTX theo hướng tăng quy mô, mở rộng nội dung hoạt động, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho cán bộ và các thành viên.

Đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 115 tổ hợp tác, liên đoàn, nghiệp đoàn hỗ trợ nhau trong sản xuất. Trong đó có 15 tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ. Các tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Một số Tổ hợp tác đang dần chuyển sang mô hình HTX, nhất là trong lâm nghiệp. Đối với HTX, toàn tỉnh có 259 HTX trong đó có 182 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; 40 HTX trong lĩnh vực công thương; 23 HTX lĩnh vực GTVT; 07 Quỹ TDND và 07 HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác. Trong đó, số HTX hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012 là 254 HTX (chiếm 96.91% số HTX); Đến nay còn 5 HTX đang hoạt động chưa tổ chức chuyển tiếp, đăng ký lại HTX theo quy định.

Nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình

HTX đã trở thành chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, đặc biệt là đối với những ngành nghề như nông nghiệp, thủy hải sản, tiểu thủ công nghệp, thương mại, dịch vụ. Nhiều HTX phát triển mạnh và hình thành những mô hình HTX kiểu mới có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Cụ thể, HTX nông nghiệp Quảng Thọ II đã thực hiện Dự án “Mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở thu mua và chế biến rau má” mang thương hiệu “Trà Rau má Quảng Thọ”, xây dựng vùng sản xuất rau má an toàn VietGAP với trên 44,5 ha, có gần 300 hộ tham gia sản xuất, đã đăng ký sản xuất chế biến Trà rau má và được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất. Hiện nay, rau má tươi VietGAP và Trà rau má túi lọc của HTX có mặt trên khắp các tỉnh thành từ Bắc Trung bộ đến thành phố Hồ Chí Minh. Bình quân rau má Quảng Thọ mỗi năm cho ra thị trường 20 tấn Trà Rau má và rau má tươi khoảng 2.000 tấn.

HTX nông nghiệp Phú Hồ đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa cho thành viên với giá thu mua cao hơn tư thương từ 150 - 200 đồng/kg. HTX đã mạnh dạn đẩy mạnh dịch vụ tiêu thụ sản phẩm bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, máy xay xát, đăng ký nhãn hiệu gạo chất lượng cao Phú Hồ. HTX đã liên kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong tỉnh như công ty lương thực tỉnh Thừa Thiên Huế,… để tiêu thụ gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ.

HTX nông nghiệp Điền Hòa đã mạnh dạn, chủ động liên kết với công ty chăn nuôi CP Việt Nam để làm trang trại nuôi heo theo hướng thương phẩm quy mô 2.000 con đem lại lợi nhuận hơn 400 triệu đồng trong 4 tháng.

HTX mây tre đan Bao La từ một làng nghề truyền thống chỉ chuyên đan lát các sản phẩm mây tre gia dụng, hiện nay đã có hơn 100 hộ thành viên tham gia sản xuất với trên 500 mẫu mã mới, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng như: đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ngủ, giỏ xách tay, khay đựng trái cây... Trung bình mỗi năm HTX thiết kế và tạo ra 7 - 10 mẫu mới. Những sản phẩm của HTX được trang trí trong các khách sạn, nhà hàng, gia đình và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW trên địa bàn tỉnh còn cố một số hạn chế như hệ thống quản lý về kinh tế tập thể còn bất cập; một số cơ quan nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thiếu quan tâm, định hướng, tạo điều kiện cho HTX phát triển. Các chủ trương, chính sách chưa được triển khai đầy đủ do chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; thiếu nguồn nhân lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX theo luật HTX năm 2012 trên thực tế chưa nhiều, thậm chí một số chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả, như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, chính sách về hỗ trợ tín dụng, chế biến sản phẩm... Đa số các HTX ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy HTX kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều.

Thảo luận tại Hội nghị, ông Văn Công Hậu, Giám đốc HTX nông nghiệp Điền Hòa cho biết, hiện nay trình độ quản lý HTX còn nhiều hạn chế do chưa có nhân lực trình độ cao; độ tuổi của các lãnh đạo đương nhiệm đã cao nên việc tiếp cận các công nghệ kỹ thuật còn chậm, không linh động. Bên cạnh đó, nguồn vốn hoạt động không đảm bảo theo nhu cầu của HTX và việc vay vốn gặp nhiều khó khăn nên việc sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Ông Mai Đình Sắc, Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy An mong muốn chính quyền các cấp sớm hoàn chỉnh các thủ tục cấp đất, thuê đất cũng như quan tâm, hỗ trợ vốn để HTX phát triển theo định hướng, kế hoạch của HTX đã đề ra.

Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác đa dạng, tự nguyện, kết hợp với việc thành lập các Tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất. Nâng cao vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh được thể hiện rõ nét, thu hút số đông hộ nông dân và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức tham gia HTX.

Tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch” dựa trên công nghệ mới, công nghệ cao, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm “đòn bẩy” cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia tích cực của “4 nhà” đảm bảo bền vững. Thúc đẩy thành lập các HTX kiểu mới - liên kết các hộ nông dân thành đơn vị kinh tế lớn hơn, sản xuất tập trung. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối, tiêu thụ trong nước (xuất khẩu) và nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với HTX kiểu mới, nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Đến năm 2025, phấn đấu doanh thu bình quân của HTX hàng năm tăng từ 7 - 10%. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX, của thành viên HTX, tổ viên Tổ hợp tác hàng năm tăng gấp 1,5 lần. Số lượng thành viên, người lao động tham gia các Tổ hợp tác, HTX hàng năm tăng lên 5%. Xây dựng tại mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế 03 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và 1 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao...

Đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, hiện nay, để phát triển mạnh và bền vững, các HTX trên địa bàn tỉnh phải thay đổi cách nhìn, cách làm, trong đó cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung nghiên cứu, sản xuất sản phẩm “sạch”, sản phẩm chủ lực để thu hút người tiêu dùng, nâng cao lợi nhuận. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về những lợi ích của kinh tế tập thể mang lại. Xây dựng kế hoạch cụ thể của từng cấp, từng ngành để có những giải pháp cụ thể, sát với thực tế để triển khai xây dựng, phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững và hiệu quả, nhất là chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các HTX trong quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh.

Kết luận tại Hội Nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mở rộng quy mô tổ chức và nội dung hoạt động. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp; thường xuyên kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh, cấp huyện, bổ sung cán bộ chuyên trách theo dõi kinh tế tập thể, phân công trách nhiệm nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển ổn định, hiệu quả. Trong đó, hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân.

Ngọc Hiếu

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.766.823
Truy cập hiện tại 2.206