Tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” diễn ra ngày 11.6, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Mục đích của Đề án nhằm thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán điện tử...
Kết quả, đến năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng - gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày, tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5%. Khảo sát của Công ty kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động đã tăng từ 37% lên 61%.
Đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được duy trì trong quý đầu năm nay. Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến 31.3.2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 171 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 18,45% và 18,82% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch qua internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46%); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3%).
Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: Phân tích hành vi khách hàng trên dữ liệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment)… Nhờ vậy, các ngân hàng liên tục cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành hải quan, thuế, điện lực, viễn thông... và đang được tiếp tục triển khai, mở rộng tới các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Không tiền mặt - nhiều lợi ích
Ghi nhận những kết quả này, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “những gì chúng ta đạt được mới là bước đầu, sử dụng tiền mặt trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ vẫn phổ biến trong nền kinh tế”.
Theo Phó Thủ tướng, giảm được thanh toán tiền mặt sẽ mang lại nhiều lợi ích. “Không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả của ngân hàng, mà Nhà nước còn thuận tiện khi triển khai dịch vụ công cấp độ 4, tức là người dân nộp tiền qua mạng, không phải trực tiếp tới trụ sở cơ quan, kho bạc”, Phó Thủ tướng nói. Ngoài ra, hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng được nâng cao, minh bạch nền kinh tế và các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế cũng như thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào phòng, chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, tiêu cực và các loại tội phạm kinh tế. Do đó, “việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới”, Phó Thủ tướng khẳng định.
“Trước mắt, trong năm 2019, NHNN sẽ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh thông tin. Cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả một số Đề án, Chiến lược về lĩnh vực thanh toán, NHNN sẽ trình Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; báo cáo Thủ tướng về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money), dịch vụ có bản chất tương tự việc cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch ở Việt Nam, bà Trần Thu Hương, Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích công ty fintech phát triển ứng dụng tiện ích, tích hợp với hệ thống của ngân hàng, có chính sách thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ, điểm chấp nhận thanh toán dần chuyển sang sử dụng giải pháp thanh toán không tiền mặt..
daibieunhandan.vn