Tại xã Quảng Thái (Quảng Điền), phần lớn phụ nữ đều phụ thuộc vào nông nghiệp và trồng cây hoa màu. Vì thế, từ khi tham gia lớp tập huấn mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa IMO do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tổ chức, nhiều chị đã phát triển được những vườn rau thân thiện môi trường. Chỉ cần cho rác thải hữu cơ vào từng chiếc túi, trộn với đường đen và ủ kín trong khoảng 10 ngày... các hội viên đã có được men vi sinh IMO tốt cho cây trồng, hoa màu.
Chị Văn Thị Thìn (xã Quảng Thái) chia sẻ, sau thời gian dùng men vi sinh IMO, vườn rau của chị đã xanh tốt hơn. Rau quả thu hoạch không bị sâu phá hoại, tiết kiệm được chi phí phân bón và hạn chế lượng rác thải ra môi trường.
Trước đây, do rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều và thói quen của người dân còn vứt rác bừa bãi nên tiêu chí môi trường được xem là tiêu chí khó ở các xã vùng nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, Hội LHPN huyện Quảng Điền cùng với các ban, ngành, đoàn thể vận động hội viên đào hố ngay tại góc vườn để phân loại và xử lý rác. Rác hữu cơ thì đem đốt để làm phân bón, còn rác vô cơ thì tập kết về địa điểm theo quy định để tiêu hủy. Sau khi được vận động thực hiện mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”, chị đã thực hiện và thấy hiệu quả ngay. “Rác trong hố rác thường là rác hữu cơ. Rác vô cơ thì đã được phân loại để thu gom đưa đến nơi tập kết. Với rác hữu cơ này, sau khi đầy sẽ đốt tạo thành chất dinh dưỡng cho cây trồng. Gia đình chị Lan còn trồng thêm ổi để tận dụng phân tro từ các hố rác thải. Ổi và chuối đều là những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao lại khá được ưa chuộng nên rất dễ bán.
Đi dọc những tuyến đường chính ven các xã của huyện Quảng Điền có thể dễ dàng nhận ra những “Ngôi nhà xanh”. Đây là nơi tập kết rác thải tái chế như bìa cacton, vỏ lon bia, giấy vụn, chai nhựa... hạn chế xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường.
Chị Hoàng Thị Tuyết, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Tây Hoàng (Quảng Thái) đã tuyên truyền, vận động hội viên ra quân Ngày Chủ nhật xanh, xây dựng tuyến đường hoa của thôn, đặc biệt, vận động chị em phân loại rác thải tại hộ gia đình. Đặc biệt, chị vận động chị em mang rác tái chế ủng hộ thực hiện mô hình biến rác thành tiền. Mỗi tháng, chị em phụ nữ trong các xã sẽ mở 2 lần để “bán rác lấy tiền”, với khoảng 200.000 - 300.000/nhà/lần bán. Nguồn quỹ này được phụ nữ địa phương dành để giúp trẻ mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Điền cho biết, các cấp hội cơ sở đã nhân rộng gần 90 mô hình rác thải, trong đó có 50 mô hình “Biến rác thành tiền” thu gom hằng tháng, 24 mô hình “Ngôi nhà xanh” và 15 mô hình “đổi rác thải nhựa lấy hàng tiêu dùng” thu hút hơn 80% hội viên phụ nữ tham gia. Số tiền thu được từ các mô hình trên dành để hỗ trợ cho trẻ mô côi có hoàn cảnh khó khăn, trao quà cho hội viên phụ nữ nghèo, hỗ trợ chị em khó khăn mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình...
https://baothuathienhue.vn