Nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; ngày 05/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 181 /UBND-GT yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường giáo dục ý thức an toàn khi tham gia giao thông tai các cấp học (mẫu giáo, cấp 1, cấp 2), độ tuổi thiếu nhi; thông báo, tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, yêu cầu không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe theo quy định); nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, đội thanh niên tình nguyện, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh và phụ huynh học sinh.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế rà soát lại tình hình tổ chức đưa đón trẻ em, học sinh bằng xe ô tô tại các trường, cơ sở giáo dục, đào tạo (gồm cả trường công lập và tư thục) trên địa bàn toàn tỉnh; đề nghị các trường tuân thủ các quy định về đưa đón trẻ em, học sinh đảm bảo thuận lợi, an toàn (lưu ý: hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt trên địa bàn toàn tỉnh; yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã có văn bản hướng dẫn đăng ký đối với các trường hợp có nhu cầu đưa đón bằng xe buýt; tổng hợp danh sách gửi về Sở Giao thông vận tải để rà soát, làm việc với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang đưa vào chương trình thực hiện trong năm 2024-2025).
Công an tỉnh chủ trì, phân công cán bộ, chiến sĩ công an cấp huyện, cấp xã phụ trách, theo dõi địa bàn, giám sát, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương cơ sở trên địa bàn tỉnh phối hợp với Nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động, nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có biện pháp quản lý và ký cam kết chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” thông qua việc tổ chức giao thông ở khu vực cổng trường và tuyến đường thường xuyên đi học của học sinh, trẻ em (từ nhà tới trường và ngược lại) ngay sau các kỳ nghỉ (Lễ, Tết, hè).
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương khi xử lý vi phạm học sinh phải gửi thông báo về trường học và nơi cư trú nhắc nhở chấn chỉnh, khắc phục hành vi vi phạm; Quá trình chỉ đạo, thực hiện cần lưu ý đến các phương tiện xe đạp điện, xe máy điện; người và phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định (về độ tuổi, chiếu sáng, đèn tín hiệu, cảnh báo,…); xử lý hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng phân luồng, phòng ngừa, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường quanh khu vực các trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học. Kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý; kiến nghị với nhà trường bố trí địa điểm và phân luồng cho học sinh ra về hợp lý để phụ huynh học sinh vào trường dừng, đón học sinh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông. Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về TTATGT, trong đó chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về ATGT với trẻ em.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế: tổ chức khảo sát, rà soát kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; có kế hoạch khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông, trong đó chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học.
Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải đối với các xe đưa đón trẻ em, học sinh; chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý vi phạm (nếu có); đồng thời có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường có nhu cầu đưa đón học sinh phải hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo đủ điều kiện, có đăng ký hoạt động kinh doanh, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo đúng quy định; Tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch, phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho từng lực lượng chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến học sinh diễn biến phức tạp trên địa bàn. Từng huyện, từng xã trong kế hoạch công tác hằng năm phải đưa ra mục tiêu phấn đấu không để học sinh trên địa bàn bị tai nạn giao thông và có giải pháp thực hiện cụ thể.
Chỉ đạo các phòng ban, các đoàn thể chính trị, xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các gia đình tích cực nhắc nhở, vận động con em trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện; không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, khi chưa có giấy phép lái xe. Chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cấp xã có phương án xây dựng phương án và tổ chức giao thông từng tuyến đường, từng khu vực trường học thuộc phạm vi địa bàn, trách nhiệm được giao quản lý;
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan rà soát, có văn bản hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa, đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông.
Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT trong các hoạt động của thanh, thiếu niên, nhất là trong sinh hoạt hè tại địa phương; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên xe máy, ô tô và các phương tiện khác; phối hợp với các ngành, cơ quan đoàn thể vận động, huy động các nguồn lực xã hội quan tâm kèm cặp, giúp đỡ những thanh thiếu niên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được đến trường và đến trường an toàn;