Tìm kiếm tin tức
Xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế sau 10 năm thực hiện
Ngày cập nhật 02/07/2020
Xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018
 
Xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018
Xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), Thừa Thiên Huế đã đạt được một số thành tựu đáng kể bước đầu, tuy nhiên quá trình thực hiện đã cho thấy còn nhiều thách thức và vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới.

Thành tựu bước đầu

Vùng nông thôn Thừa Thiên Huế vốn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn về nhiều mặt, khi bước vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, năm 2010 toàn tỉnh mới chỉ đạt bình quân 8,5 tiêu chí/xã (trong 19 tiêu chí thực hiện). Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 63xã/97 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 65%; số tiêu chí bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân cả nước 0,5 tiêu chí); đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 64/97 xã đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 66%. Điều ghi nhận là 02 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là huyện Quảng Điền và thị xã Hương Thủy, qua đó đã góp phần cơ bản trong hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra giai đoạn 2010 - 2020.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá cơ bản, diện mạo có bước khởi sắc. Tổng nguồn lực huy động trong gần 10 năm đạt hơn 10.084 tỷ đồng, trong đó có nguồn lực đáng kể từ người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh hiện nay tăng từ 12,6 triệu đồng/năm (2010) lên 33,5 triệu đồng, gấp 2,66 lần so với năm 2010 (12,6 triệu đồng) và 1,45 lần so với năm 2015 (23,01 triệu đồng), bình quân tăng 11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 xuống còn 7,25%, bình quân giảm 1,6%/năm.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, thành công lớn đã đạt được trong gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về xây dựng NTM đã có những chuyển biến khá sâu sắc và rõ nét; đời sống của đồng bào nông thôn từng bước được nâng cao cải thiện một phần nhờ vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Nhiều địa phương trong Tỉnh đã hoàn thành Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, đã góp phần cùng với nhiều địa phương trong cả nước đạt mục tiêu chung của Chương trình do Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2010 - 2020.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhiều vấn đề đặt ra cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận và nỗ lực rất lớn của các tầng lớn nhân dân trong tỉnh. Đó là, trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa tập trung, quyết liệt; nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên; việc tổ chức thực hiện còn chú trọng về đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân; công tác tuyên truyền vận động người dân còn hạn chế, do vậy nhận thức về vai trò chủ thể của Chương trình chưa được nâng cao, từ đó việc chủ động, tích cực của người dân tham gia thực hiện Chương trình còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM còn chậm. Chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn làm cơ sở cho tăng thu nhập và đời sống người dân. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có chuyển biến, nhưng chưa thật bền vững... nhiều địa phương vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là các huyện vùng cao như huyện A Lưới và Nam Đông.

Kết quả xây dựng NTM ở một số địa phương chưa thực sự bền vững và chưa đồng đều giữa các vùng, địa bàn trong tỉnh; đặc biệt là đối với các xã miền núi, xã bãi ngang ven biển... Chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn thấp, nhiều xã, nhiều tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu, việc duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí NTM sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế, trong khi đó yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM  càng ngày càng cao, nhất là các tiêu chí liên quan đến sản xuất và đời sồng người dân (tiêu chí Thu nhập, Tỷ lệ hộ nghèo, Nhà ở, Tổ chức sản xuất, Môi trường,...)

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy kinh tế nông thôn là nội dung cốt lõi
trong chương trình xây dựng NTM tại tỉnh Thừa Thiên Hu

 

Định hướng, giải pháp

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cũng như nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của sự nghiệp xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Thừa Thiên Huế là: Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi động nhưng không có điểm kết thúc. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM; trong đó lấy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân làm trọng tâm; chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường,...để xây dựng cảnh quan vùng nông thôn của tỉnh ngày càng xanh, sạch, sáng.

Phấn đấu đến năm 2025, đưa tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên đạt 87%;   trong đó, có 30% xã NTM nâng cao, 10% xã NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 03/8 huyện/thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó, có ít nhất 02 huyện đạt chuẩn NTM, có 01 huyện NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn tỉnh tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra các giải pháp cụ thể và phân cấp cho các cấp, ngành tổ chức thực hiện. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và hoạt động của Ban chỉ đạo NTM các cấp và vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp trong việc tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động để thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; nhất là trong đóng góp công sức, trí tuệ và nguồn lực từ xã hội để thực hiện Chương trình.

Một nhiệm vụ được xem là trọng tâm, giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng NTM được tỉnh chú trọng và ưu tiên thực hiện đó là, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo  đó, cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ an toàn sinh học; tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình NTM; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn kết hợp với đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản ở nông thôn; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn kết nối với đô thị, kết nối liên xã, liên huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích huy động nguồn lực tại chỗ và nguồn lực huy động của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng NTM. Cùng với đó, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn;  bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng an ninh ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn" để xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như yêu cầu của Bộ tiêu chí sau năm 2020./.

 
 
 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.768.978
Truy cập hiện tại 85