Tìm kiếm tin tức
Học tập và noi theo tấm gương đồng chí Nguyễn Chí Diểu để xây dựng Thừa Thiên Huế giàu đẹp, văn minh
Ngày cập nhật 17/12/2018

Sáng ngày 17/12, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 2018). Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh xin trích đăng bài diễn văn của đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là vùng đất văn hiến; có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang - Nơi Bác Hồ và gia đình Người đã từng sinh sống và học tập; nơi sinh ra và hội tụ nhiều thế hệ anh tài; nhiều anh hùng hào kiệt, trong đó có người con ưu tú Nguyễn Chí Diểu.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; đồng chí Nguyễn Chí Diểu sớm tiếp xúc với những người thầy tâm huyết; giàu lòng yêu nước; được sống, tham gia hoạt động trong bầu không khí đấu tranh cách mạng sôi sục của các tầng lớp nhân dân và thanh niên, học sinh, sinh viên Huế thời bấy giờ.

Năm 17 tuổi, đồng chí đỗ vào Trường Quốc Học và tham gia tích cực các phong trào đấu tranh yêu nước, chống chính quyền thực dân Pháp. Sau phong trào bãi khóa năm 1927, đồng chí bị đuổi học. Rời Trường Quốc Học, đồng chí bắt liên lạc với các nhà hoạt động cách mạng; tiếp tục tham gia các cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công. Mới 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Tân Việt cách mạng Đảng - Ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ; sau đó trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia Định; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa đầu tiên.

Được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí đã tỏ rõ bản chất của một người lãnh đạo sâu sát, gần dân, am hiểu địa bàn hoạt động để xây dựng thế trận lòng dân và thế đứng chân vững vàng của phong trào cách mạng. Đồng chí đã lặn lội trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn, khu vực “mười tám thôn vườn trầu” - Nơi có truyền thống yêu nước và sau này trở thành địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ. 

Tháng 10 năm 1930, Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt giam và kết án khổ sai chung thân, lưu đày ở Côn Đảo. Suốt gần 6 năm bị giam cầm trong nhà tù của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Chí Diểu vẫn luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ bí mật của tổ chức. Đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, tham gia chỉ đạo các hoạt động đấu tranh chống sự tàn bạo của chế độ lao tù thực dân; tổ chức cho anh em trong tù học tập văn hoá và lý luận cách mạng để sau khi ra tù tiếp tục hoạt động phục vụ cách mạng.

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu ra tù, được Trung ương Đảng giao trọng trách về Huế nắm tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng. Bằng tài năng và uy tín của mình, tháng 3 năm 1937 đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chủ trì hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ và được bầu làm Bí thư. Tháng 4 năm 1937, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên do đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên, làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ đó, phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung phát triển mạnh mẽ và giành những thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn sau này.

Với 31 tuổi đời, 12 tuổi Đảng và 14 năm hoạt động cách mạng; đồng chí được Đảng giao nhiều trọng trách. Mặc dù bị thực dân Pháp theo dõi, nhưng với trình độ hiểu biết và lòng yêu nước, thương dân; đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cùng với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Bùi San tổ chức gây dựng, phát triển các cơ sở cách mạng; triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, cổ động; tập hợp quần chúng nhân dân thành mặt trận rộng rãi đấu tranh đòi tự do dân chủ.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu cũng là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức các phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ, tạo thành phong trào cách mạng sôi nổi của nhân dân Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung thời bấy giờ. Trên cương vị người đứng đầu Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã quán triệt, vận dụng thành công đường lối của Đảng, tinh thần và phương pháp đấu tranh linh hoạt, sáng tạo, đưa phong trào cách mạng ở các tỉnh Trung Kỳ lên một tầm cao mới, góp phần tạo nên bước ngoặt cho Cách mạng Việt Nam.

Không chỉ đấu tranh bí mật, đồng chí còn là người đi tiên phong trong việc sử dụng văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để đấu tranh cách mạng. Với trình độ hiểu biết về văn hóa và báo chí, Nguyễn Chí Diểu đã sử dụng báo chí và phát huy vai trò to lớn của báo chí phục vụ nhiệm vụ của cách mạng một cách có hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chỉ đạo tích cực để cho ra đời tờ tuần báo Nhành Lúa - Tờ báo hoạt động công khai của Xứ ủy lâm thời Trung kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thời bấy giờ. Tờ báo đầu tiên của Nhành Lúa đã tuyên truyền cho phong trào Đông Dương Đại hội; tổng kết, đánh giá và tiếp tục phản ánh phong trào "Dân nguyện" ở Trung kỳ và ở Huế. Cũng tại trụ sở báo Nhành Lúa, Nguyễn Chí Diểu đã dựa vào ảnh hưởng của mình để triệu tập cuộc họp đại biểu các nhà báo của Thừa Thiên Huế bàn việc đón Godart để trao bản Dân nguyện, đây là cuộc biểu dương lực lượng náo nhiệt chưa từng có ở Huế do đồng chí trực tiếp chỉ đạo, điều hành.

Với đầu óc mẫn tiệp và uy tín của mình, năm 1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chỉ đạo thành công Đại hội báo giới Trung kỳ với sự tham dự của 70 nhà báo; kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương; yêu cầu được tự do xuất bản và thành lập Hội ái hữu báo giới Trung kỳ.

Sự kiện này là một thắng lợi chính trị quan trọng của Đảng, gắn liền với vai trò lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Trên đà thắng lợi đó, mặt trận đấu tranh công khai ở Trung Kỳ được hình thành; vai trò của báo chí cách mạng được phát huy cao độ.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã tham gia chỉ đạo các tỉnh vận động bầu cử Viện Dân biểu Trung kỳ, và lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của chế độ thực dân, phong kiến, những người do Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương giới thiệu đã giành các ghế quan trọng như Viện Trưởng, Phó Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ.

Ra đi ở tuổi 31, khi sự nghiệp còn dang dở. Nhưng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng quê hương, đất nước. Dù ở trong lao tù; dù đấu tranh bí mật hay công khai; dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Diểu luôn là một nhà hoạt động chính trị; người cộng sản kiên trung; một lòng vì dân, vì Đảng. Với trình độ hiểu biết và những hoạt động không mệt mỏi, cùng với lòng nhiệt tình cách mạng, Nguyễn Chí Diểu đã trực tiếp giác ngộ, đào tạo nhiều cán bộ tài năng của Đảng, là hình mẫu của thế hệ thanh niên trí thức đương thời; tấm gương của đồng chí làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, lôi cuốn nhiều học sinh, sinh viên và đông đảo nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia Cách mạng. Dưới sự dìu dắt, đào tạo trực tiếp của đồng chí, nhiều cán bộ, tiêu biểu như đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu đã trở thành những nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam.

*

*     *

Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất quê hương, nơi sinh ra người con ưu tú, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc Nguyễn Chí Diểu.

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ tiền bối, đặc biệt là học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Chí Diểu; trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tập trung công sức, trí tuệ; hoạch định chiến lược phát triển; trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm nhằm mở ra con đường phát triển phù hợp; từng bước tạo đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phù hợp với thực tiễn địa phương. Đến nay, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh có những thay đổi, bức tranh toàn cảnh có nhiều khởi sắc; đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo thêm nhiều thế và lực mới để xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mặc dù phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự quyết tâm và đồng lòng của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế, nền kinh tế - xã hội có sự chuyển biến quan trọng và có tính toàn diện trên các ngành và lĩnh vực.

Đã kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Bước đầu hình thành những mô hình mới, nhân tố mới trên các lĩnh vực và địa phương. Huy động tốt hơn các nguồn lực, nhất là nội lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều chỉ tiêu cơ bản như thu ngân sách; tỷ lệ đô thị hóa; xây dựng nông thôn mới đều có khả năng đạt và vượt. Các công trình, dự án trọng điểm của Đại hội đề ra được tổ chức thực hiện quyết liệt; nhiều công trình, dự án hoàn thành bước đầu phát huy tác dụng.

Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Môi trường sống, môi trường xã hội được xây dựng theo hướng “xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện với môi trường”. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; số hộ nghèo giảm mạnh. Công tác “đền ơn đáp nghĩa” được thường xuyên chú trọng. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Nội bộ đoàn kết, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

*

*     *

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu - nhà hoạt động chính trị cách mạng tiền bối; người cộng sản kiên trung; dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn gần gũi với quần chúng; sâu sát với địa bàn; nhờ đó đã tập hợp, giác ngộ cách mạng và định hướng lực lượng quần chúng tham gia phong trào cách mạng; là người tiên phong sử dụng báo chí và nghị trường để đấu tranh công khai với địch; luôn giữ vững niềm tin; trọn đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Đây là tấm gương sáng và bài học lớn của chúng ta trong tiến trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Đó là, khi đã có đường lối, chủ trương đúng thì đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải có một nhân cách lớn, tầm nhìn rộng và nêu gương sáng mới quy tụ và tập hợp lực lượng theo mình để biến chủ trương, đường lối đó trở thành hiện thực, sớm đi vào cuộc sống.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đầu tư, chỉnh trang nhiều hạng mục thuộc di tích Nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu - nay trở thành điểm thăm viếng, tham quan, học hỏi dành cho du khách gần xa; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nơi sinh hoạt cộng đồng của thế hệ trẻ Làng hoa giấy Thanh Tiên và người dân trong vùng. Đó cũng chính là kế thừa, tiếp nối sự nghiệp cao cả của các bậc cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Diểu; đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và của dân tộc Việt Nam.

Nhân buổi lễ trọng thể hôm nay, thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh, xin trân trọng cảm ơn sâu sắc đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ quý báu đối với Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế mãi mãi khắc ghi công ơn của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tấm gương sáng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Chí Diểu.

Học tập và noi theo tấm gương Đồng chí, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sỹ trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang “Tấn công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường”; đồng tâm, hiệp lực; nắm bắt thời cơ; vượt qua thách thức; đẩy mạnh thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Tinhuytthue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.771.564
Truy cập hiện tại 143