Tìm kiếm tin tức
Minh chứng sinh động về quyền con người ở Việt Nam
Ngày cập nhật 17/04/2019

Từ khi thành lập ngày 2-9-1945, Việt Nam luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng đảm bảo quyền con người cho mọi người dân. Những thành tựu trong đảm bảo các quyền dân sự và chính trị là minh chứng sinh động nhất.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Kể từ khi nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 2002 đến nay, Việt Nam ngày càng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này.

Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, trong đó bao gồm các nội dung về quyền con người, quyền công dân. Chỉ tính từ tháng 1-2014 đến nay, đã có khoảng hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng về quyền con người, chẳng hạn như: Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Đặc xá năm 2018... Các đạo luật này quy định đầy đủ, rõ ràng hầu hết các quyền dân sự và chính trị; các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam...

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva dẫn đầu đoàn Việt Nam tham Khóa họp thứ 40 Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 25/2 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Hoàng Hoa/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ

Các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể có liên quan đến quyền dân sự và chính trị cũng đều có quy định về nguyên tắc đảm bảo thực thi quyền. Pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức đã đổi mới một bước, theo đó hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên hơn. Các hình thức giám sát được tổ chức đa dạng, phong phú như việc trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

TỰ DO NGÔN LUẬN, BÁO CHÍ, TÔN GIÁO 

Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Pháp luật Việt Nam đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. 

Ở Việt Nam, không có việc cưỡng ép từ bỏ niềm tin, theo dõi, đe dọa, xúc phạm, giam giữ, tra tấn, hạn chế quyền tiếp cận tôn giáo. Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động hận thù, chia rẽ, gây mâu thuẫn và xung đột, làm tổn hại đến an ninh, ổn định của đất nước và cuộc sống yên bình của người dân. Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo, thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo; đảm bảo tự do tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số.

Pháp luật Việt Nam đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân

Về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do hội họp, thực tiễn cuộc sống là bằng chứng rất rõ nét về việc thụ hưởng quyền này ở Việt Nam. Có thể thấy, báo chí ở Việt Nam đã phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ bảo vệ quyền của người dân, lợi ích của xã hội, hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chính sách. 

Tính đến tháng 6-2018, cả nước đã có tới có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đến hết tháng 6-2018 là 1.510. Hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Internet phát triển vô cùng nhanh chóng đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập internet là 28,35%, số người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 50 triệu người, chiếm 54% dân số (so với 30,8 triệu người năm 2013). Việt Nam có 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook.

Quyền lập hội đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Bộ luật hình sự 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Đến năm 2017, Việt Nam có 68.125 hội, trong đó có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. 5 tổ chức chính trị-xã hội lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội là: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Luật về Hội. Dự thảo Luật về Hội đã được tham vấn nhiều lần ý kiến của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và người dân để trình Quốc hội cho ý kiến.

Quyền bình đẳng trước tòa án và quyền được xét xử công bằng đã được quy định trong Hiến pháp, các đạo luật liên quan và đã đi vào thực tế. Năm 2017, Tòa án gia đình và người chưa thành niên đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi. Các cơ chế tố tụng được bảo đảm theo hướng công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người; thủ tục phiên tòa được đổi mới. Việc tiếp cận công lý của người dân luôn được khẳng định … Năm 2018, các Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) đã tiếp nhận, thực hiện 58.887 vụ việc TGPL cho 51.608 lượt người, trong đó có 18.358 vụ việc tham gia tố tụng (tăng 12,7% so với năm 2017). Đặc biệt, 100% các vụ án hình sự mà yêu cầu phải chỉ định luật sư bào chữa thì đều có sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý.

Lĩnh vực hành chính và tư pháp - lĩnh vực gắn chặt với người dân, doanh nghiệp - đã được chú trọng nâng cao chất lượng. Một khối lượng lớn nhu cầu liên quan đến vấn đề hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã được giải quyết, trong đó các cơ quan có chức năng của Việt Nam thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước. 

Năm 2018, số lượng đăng ký hộ tịch đều tăng so với năm 2017, đặc biệt là số lượng đăng ký khai sinh lại tăng rất lớn (đăng ký khai sinh mới cho 2.180.030 trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho 1.413.987 trường hợp và 5.354 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài; đăng ký kết hôn cho tổng số 787.764 cặp, trong đó có 20.849 trường hợp có yếu tố nước ngoài). Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 5.452 hồ sơ về quốc tịch (gồm 5.278 hồ sơ xin thôi, 164 hồ sơ xin nhập, 10 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.875 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan.

GIẢI PHÁP KHI THỰC THI CÔNG ƯỚC

 Trong quá trình thực hiện Công ước ICCPR với mục tiêu hết sức tốt đẹp, Việt Nam phải đương đầu với một số khó khăn,thách thức cả về chủ quan và khách quan. Một là, hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh và sự phát triển kinh tế đã khiến môi trường bị tàn phá; Hai là, thu nhập của người dân còn ở mức trung bình thấp; điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế; Ba là, khuôn khổ pháp luật về quyền con người vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, năng lực tổ chức thực hiện pháp luật còn hạn chế, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn chưa cao; Bốn là, mức độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và nhóm dân cư chưa đồng đều; thiếu hụt nguồn lực; Năm là, chất lượng giáo dục về quyền con người mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin; phong tục, tập quán lạc hậu; biến động của tình hình khu vực và quốc tế...

Những thách thức trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người dân mà còn làm phân tán nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua và đặt ưu tiên cao nhất là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật và tư pháp, thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật để thành công hơn nữa trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong điều kiện nước ta hiện nay, để thực hiện các mục tiêu trên, cần tập trung vào một số giải pháp sau: Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người, quyền công dân; Hai là, xây dựng chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm nhân dân tham gia thực sự công việc Nhà nước; Ba là, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, giảm sự phân hóa giàu nghèo, nền tảng cho phát triển bền vững; Bốn là, tăng cường bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự; Năm là, tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với cơ quan tư pháp. Sáu là, tăng cường sự giám sát của đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm sự tham gia trong lĩnh vực đấu tranh phát giác tội phạm và tham gia hoạt động xét xử./.

Tuyengiao.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.771.557
Truy cập hiện tại 140