Ngày 10/6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam và Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức lễ phát động cuộc thi viết về phòng ngừa lao động trẻ em.

Ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: K.D)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện nay, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu khi có rất nhiều trẻ em đang phải làm các công việc độc hại, có nguy cơ cao ở khắp nơi trên thế giới. Phần lớn các em sẽ phải chịu các tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng phát triển về thể chất cũng như tâm lí. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần phải vào cuộc để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cuộc thi viết về phòng ngừa lao động trẻ em được phát động nhân dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6), nhằm mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng ngừa lao động trẻ em tại Việt Nam - một vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Cuộc thi là hoạt động truyền thông về ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật đồng thời chia sẻ khuyến khích những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc thi cũng nhằm khuyến khích và tôn vinh các nhà báo viết về lao động trẻ em thông qua các sản phẩm báo chí, truyền thông có nội dung và hình thức thể hiện tốt về các giải pháp, đề xuất, sáng kiến, gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình tốt trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Lễ phát động cuộc thi viết về phòng ngừa lao động trẻ em (Ảnh: K.D)

Tác phẩm dự thi gồm các loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh-truyền hình đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 1/1/2018 đến 31/8/2019. Chủ đề là các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về lao động trẻ em; thực trạng lao động trẻ em, phê phán những hành vi bóc lột lao động trẻ em; các sáng kiến, hoạt động giáo dục về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; các nhóm giải pháp hỗ trợ tư vấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em; trợ giúp gia đình có trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hỗ trợ người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống có trẻ em học nghề và tham gia lao động...

Các tác phẩm dự thi gửi qua bưu điện, email hoặc gửi trực tiếp đến ban tổ chức theo địa chỉ: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tầng 6 tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội). Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất (20 triệu đồng); 2 giải nhì (10 triệu đồng/giải); 3 giải ba (5 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải)./.

Kim Dung