Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ chúc mừng đội ngũ những người làm báo nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng thời đánh giá cao hiệu quả của công tác truyền thông trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Nổii bật là tác động của truyền thông đối với đề án Ngày Chủ nhật xanh, nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, qua đó góp phần đưa các phong trào ngày càng được lan tỏa rộng rãi.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho rằng, Huế đang còn rất nhiều việc phải làm và rất cần sự chung tay của lực lượng báo chí. Với mong muốn chính quyền là người bạn đồng hành với báo chí, báo chí sẽ là kênh thông tin, cầu nối quan trọng để người dân và chính quyền ngày càng gần nhau, hiểu nhau hơn. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường giao ban báo chí, thông tin kịp thời đến báo chí các chính sách, hoạt động của tỉnh; ra mắt kênh Thông tin "Chính quyền với báo chí" để giao tiếp, tương tác trực tiếp giữa báo chí với các cơ quan chính quyền. Đồng thời, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu nâng cao vị thế báo chí Thừa Thiên Huế ở tầm Quốc gia, cụ thể, tỉnh phải có những giải thưởng báo chí tầm khu vực, quốc gia trong thời gian tới.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cơ quan báo chí địa phương, 2 cơ quan báo chí trung ương, 9 văn phòng đại diện, 23 phóng viên thường trú và 20 phóng viên, cộng tác viên đăng ký nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn hoạt động tác nghiệp tích cực trên địa bàn. Với lực lượng đó, báo chí Thừa Thiên Huế đã, đang và luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong tuyên truyền phản ánh kịp thời mọi mặt của đời sống xã hội, những thành tựu kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Kênh tương tác "Chính quyền với báo chí" vừa được UBND tỉnh đưa vào hoạt động