Qua khảo sát thực tiễn của ngành Nông nghiệp và báo cáo của các địa phương, lượng bèo trên các tuyến sông, hói phát triển với tốc độ nhanh, mặc dù các địa phương đã nhiều lần ra quân vớt nhưng số lượng vẫn còn rất lớn. So với các địa phương khác, huyện Phú Vang là địa phương có lượng bèo chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với gần 1/3 khối lượng bèo phát sinh trên toàn tỉnh và có mặt ở các sông, hói chính ở 13 xã, thị trấn trong tổng số 20 xã, thị trấn của huyện.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang, tổng chiều dài các sông cần vớt bèo, rác thải và giải tỏa vật cản thông dòng sông toàn huyện là hơn 45 km; diện tích bèo trên sông, hói ước tính hơn 500.000m2. Bèo tây phát triển hầu hết tại các sông, hói chính và ở các xã vùng thấp trũng như Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mỹ, Phú Dương, Phú Đa…Nhất là trên sông Như Ý, đoạn từ cầu chợ Sam đến trạm bơm Sư Lỗ Thượng ở xã Phú Hồ; từ trạm bơm Thủy Thanh 2 đến trạm bơm Phú Lương 1; trên sông Đại Giang đoạn cầu Phú Thứ và sông Thiệu Hoá dưới chân cầu Hà Trữ thuộc xã Vinh Thái... bèo tây dày đặc, phủ kín mặt sông.
Các địa phương đã tập trung trục vớt bèo tây xung quanh các chân cầu bắc qua sông để đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến
Ông Nguyễn Đức Phú, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang cho biết, vào mùa nắng nóng, bèo tây phát triển rất nhanh, thời gian qua cùng với triển khai thu gom rác và làm vệ sinh môi trường theo chương trình "Ngày chủ nhật xanh", xã cũng đã triển khai việc vớt bèo. Thực hiện chủ trương chung của tỉnh, hiện nay xã đang tập trung vớt bèo, làm sạch môi trường tại các đoạn sông có cầu bắc qua nhằm khơi thông dòng chảy và đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ sắp đến. Sau đợt ra quân lần này, xã sẽ tiếp tục vận động người dân thường xuyên ra quân vớt bèo.
Để đảm bảo vấn đề môi trường, nhất là khơi thông dòng chảy và đảm bảo an toàn tại các công trình thủy lợi tiêu thoát lũ, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế hàng năm, bố trí kinh phí từ ngân sách trong nguồn sự nghiệp môi trường kết hợp huy động các nguồn lực Nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện trục vớt bèo. Đối với các vùng có diện tích bèo lớn cần huy động mọi lực lượng địa phương tại chỗ tham gia vớt và đưa phương tiện cơ giới đến để trục vớt và vận chuyển về điểm xử lý tập trung. Đồng thời, các địa phương, ngành chức năng phải chủ động duy trì công tác trục vớt và có kế hoạch thu gom nhằm hạn chế bèo phát triển, không được sử dụng các hóa chất như thuốc trừ sâu để diệt bèo gây ảnh hưởng môi trường.
Các xã đã chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương để huy động máy xúc thực hiện đẩy nhanh việc trục vớt bèo
thuathienhue.gov.vn