Ngày 18/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1469/QĐ-UBND ban hành Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 1.0, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mô hình tổng thể Khung kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế
Khung kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là “Khung kiến trúc ICT”) được xây dựng tuân theo Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) và bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 30145 về Khung tham chiếu ICT cho Đô thị thông minh. Khung kiến trúc ICT đô thị thông minh bao gồm 4 kiến trúc thành phần và khung kiến trúc sơ bộ cho 16 lĩnh vực thông minh chuyên ngành.
Các kiến trúc thành phần bao gồm:
- Kiến trúc Nghiệp vụ;
- Kiến trúc Ứng dụng;
- Kiến trúc Dữ liệu;
- Kiến trúc Công nghệ.
Kiến trúc Nghiệp vụ bao gồm các quy trình nghiệp vụ cho 16 lĩnh vực thông minh chuyên ngành được lựa chọn thuộc 6 nhóm lĩnh vực trụ cột của đô thị thông minh:
Sơ đồ Kiến trúc Ứng dụng tuân theo Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0):
Kiến trúc Dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật trong Kiến trúc Công nghệ theo mô hình vừa phân tán vừa tập trung theo xu hướng Điện toán biên (Edge Computing) tiên tiến hiện nay. Trong giai đoạn đầu 2021-2022 sẽ tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu đô thị thông minh tập trung của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn sau tùy theo quy mô phát triển của các lĩnh vực tiềm năng có thể xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu biên (Edge Data Center) chuyên ngành/khu vực cho các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Chiếu sáng đô thị, Du lịch…. Các trung tâm dữ liệu đều được kiến trúc như một Trung tâm dữ liệu định nghĩa bằng phần mềm (SDDC-Software-Defined Data Center) ứng dụng công nghệ Điện toán đám mây với tất cả các thành phần hạ tầng kỹ thuật từ kết nối mạng, bảo mật, điện toán cho đến hệ thống lưu trữ, đều được ảo hóa, được định nghĩa bằng phần mềm và được cung cấp như một dịch vụ, ứng dụng các công nghệ:
- Mạng định nghĩa bằng phần mềm (SDN - Software-defined Networking);
- Bảo mật định nghĩa bằng phần mềm (SDSec - Software-defined Security);
- Lưu trữ định nghĩa bằng phần mềm (SDS - Software-defined Storage);
Việc thu thập dữ liệu được thực hiện bởi mạng lưới cảm biến (Sensor network) rộng khắp, trong đó chú trọng sử dụng các thiết bị biên hỗ trợ trí tuệ nhân tạo. Các dữ liệu cần cho việc tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được lưu trữ tập trung trong Hồ dữ liệu (Data Lake) đô thị thông minh Thừa Thiên Huế theo kiến trúc:
Các dữ liệu khác được lưu trữ cục bộ tại các thiết bị biên (Edge devices) và các trung tâm dữ liệu biên.
Tất cả các dịch vụ đô thị thông minh đều sử dụng chung các dịch vụ do Nền tảng Đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (SCP - Smart City Platform) cung cấp với kiến trúc như sau:
Trong lĩnh vực Quản trị thông minh, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển tiếp Trung tâm giám sát, điều hành (GSĐH) hiện có của tỉnh thành một Hệ thống trung tâm GSĐH đô thị thông minh theo mô hình:
Trung tâm GSĐH Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế tuân theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong Văn bản số 213/THH-CPĐT ngày 03/03/2021 về việc Hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0).
Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh cũng bao gồm khung kiến trúc sơ bộ cho 16 lĩnh vực thông minh chuyên ngành, trong đó mỗi kiến trúc sơ bộ có đầy đủ 4 kiến trúc thành phần về nghiệp vụ, ứng dụng, dữ liệu và công nghệ.
2. Lộ trình triển khai
Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế trong Giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo lộ trình 2 bước:
1. Bước 1 (2021-2022): Trong 2 năm cần triển khai các hạng mục mang tính chất nền tảng phục vụ cho toàn bộ Hệ thống dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh và phục vụ triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cần ưu tiên triển khai.
2. Bước 2 (2023-2025): Triển khai các hạng mục phục vụ việc triển khai diện rộng dịch vụ đô thị thông minh thuộc các lĩnh vực được xác định trong Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0 của tỉnh.