Tìm kiếm tin tức
Người… không cho đất nghỉ
Ngày cập nhật 13/07/2023
Mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Lê Quang Cao

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), những năm tháng khó khăn ông Lê Quang Cao (SN 1968) và gia đình rời quê đi lập nghiệp ở miền Nam. Với bản tính cần cù, chịu khó, ông Cao đã tích lũy được một số vốn kha khá và trở về quê với ý chí mong muốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình.

Đa dạng hóa sản phẩm

Về thị trấn Sịa, hỏi ông Lê Quang Cao nuôi cá chình ai cũng biết và sẵn sàng dẫn chúng tôi ra tận khu nuôi trồng của ông. Họ không chỉ biết đến ông Cao là gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn bởi ông luôn gần gũi, giúp đỡ người dân, tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân ở địa phương.

Bên ấm trà sen - đặc sản do chính gia đình sản xuất, ông Lê Quang Cao kể về những cơ duyên mà ông trở lại quê hương để nuôi chí hướng làm giàu. Ông Cao kể, năm 2002, sau hơn 20 năm bôn ba xứ người làm ăn, có một số vốn kha khá, ông cùng gia đình trở về quê lập nghiệp khi nhận thấy những ưu ái về thiên nhiên, khí hậu của mảnh đất quê hương mang lại. Công việc đầu tiên của ông Lê Quang Cao chính là “an cư” rồi mới “lập nghiệp” - ông cất một ngôi nhà ở tại tổ dân phố Vĩnh Hòa, thị trấn Sịa.

Khi đã “an cư”, bằng sự tìm tòi, học hỏi ở xứ người, ông nhận thấy một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả có thể chuyển đổi qua trồng sen. Với bản chất dám nghĩ, dám làm, ông Cao mạnh dạn thuê đất hoang hóa của địa phương để cải tạo và đưa vào trồng với diện tích 4,5ha sen cao sản lấy hạt. Ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu về hơn 11 tấn hạt tươi. Với giá thị trường 45.000 đồng/kg, diện tích sen nói trên cho thu nhập gần 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu gần 280 triệu đồng. “Khởi nghiệp” bước đầu thành công ngoài mong đợi đối với ông Cao và gia đình.

Sau khi có thành công bước đầu, ông tiếp tục đầu tư để mua 4 máy cày các loại phục vụ khâu làm đất cho bà con nông dân ở trong vùng. Dịch vụ này hoạt động một thời gian rất hiệu quả, mang lại thu nhập cao và ổn định chính là bước tạo đà bằng nguồn vốn để ông mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2015, khi máy móc trong vùng có nhiều, ông mạnh dạn mua thêm 3 máy gặt đập liên hợp phục vụ khâu thu hoạch lúa cho bà con trong địa bàn huyện Quảng Điền và vươn ra các tỉnh khác như Thanh Hóa, Ninh Bình...

Đến năm 2017, khi lượng máy cày làm đất và máy gặt đập liên hợp trên địa bàn phát triển với số lượng lớn, ông Cao mạnh dạn đầu tư 2 máy đào (múc) để nạo vét kênh mương phục vụ trong nông nghiệp và thi công các công trình trên địa bàn. Đồng thời, bản thân ông đã có nghề kỹ thuật vận hành xe cẩu nên ông tiếp tục sắm thêm 1 xe cẩu phục vụ nhu cầu tại địa phương. “Kinh doanh dịch vụ này, tính doanh thu hàng năm từ 1,5 - 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 1 tỷ đồng” - ông Lê Quang Cao chia sẻ.

Với bản tính chịu khó, không cho đất nghỉ, bắt đất đai phải sinh lời, ông Cao nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm ăn. Năm 2017 khi một số diện tích đất trồng lúa của nông dân trong vùng thường xuyên ngập úng, cho năng suất thấp, ông đã tìm đến chính quyền thị trấn đặt vấn đề và phối hợp vận động người dân để thuê lại diện tích 3,8ha chuyển sang mô hình nuôi ươm cá chình giống và thương phẩm. Sau khi cải tạo ao hồ, đầu năm 2019, ông Cao thả nuôi ươm 157 ngàn con cá chình giống. Với kinh nghiệm học hỏi ở xứ người, sau thời gian ngắn cá giống phát triển rất tốt, thích nghi với môi trường tự nhiên.

Tháng 10/2019 ông đã tách đàn và đưa vào nuôi thương phẩm với số lượng 25 ngàn con. Sau hơn 2 năm thả nuôi, đến nay bình quân mỗi con có trọng lượng từ 2,5 - 3,5kg và bán ra thị trường với giá 400-450 ngàn đồng/kg. Ông Cao nhẩm tính, sau 2 năm thả nuôi số cá thương phẩm và bán cá giống sẽ cho thu nhập trên dưới 8 tỷ đồng. Đây là mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thị trấn Sịa và có thể nhân rộng ở các địa phương có cùng khí hậu, thổ nhưỡng như ở Quảng Điền.

Nhân rộng mô hình

Không bằng lòng với hiện tại, đầu năm 2023, ông Cao tiếp tục nghiên cứu, đưa vào thả nuôi thêm tôm thẻ chân trắng và cá ngạnh. Mô hình này phát triển tốt, thích nghi với môi trường, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ông cho hay sẽ nhân rộng mô hình, sẵn sàng chia sẻ con giống và chuyển giao kỹ thuật cho những ai quan tâm.

Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Hồ Ngọc Anh Tuấn cho biết, ông Lê Quang Cao là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp quốc gia. Ông không chỉ mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bỏ ra mức đầu tư rất lớn trong việc phát triển các mô hình kinh tế mới kết hợp với dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn luôn tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nông dân địa phương. Thời gian qua, ông Cao đã dạy nghề lái máy cày làm đất cho 4 lao động nông thôn, đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ được 12 lao động có việc làm, thu nhập ổn định; giúp 2 hộ nghèo, hộ khó khăn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn để vươn lên thoát nghèo.

Tại chuyến thăm mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Cao mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá cao về ý tưởng mạnh dạn đầu tư của ông Lê Quang Cao và cho rằng thành công bước đầu của mô hình có thể là một hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp trên huyện Quảng Điền trong việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Trong quá trình triển khai mô hình, hộ nuôi trồng thủy sản cần tiếp tục nghiên cứu các kỹ thuật mới, tập trung phòng tránh dịch bệnh để đạt được năng suất cao nhất. Về phía chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần quan tâm và hỗ trợ hộ nuôi trồng về vốn, diện tích đất sản xuất, đồng thời có sự theo dõi và đánh giá hiệu quả của mô hình để nhân rộng tại địa phương” - ông Lê Trường Lưu chỉ đạo.

Bài, ảnh: Thái Bình

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.759.279
Truy cập hiện tại 244