Thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, duy trì, cải thiện chất lượng môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đồng thời đáp ứng các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ngày 24/1/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 895/UBND-CT yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Tăng cường triển khai các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn, bao gồm việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chai lọ và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; kiểm soát chất thải từ các làng nghề; hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, sớm đạt yêu cầu của các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ trì, triển khai các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, tập trung khuyến khích, xây dựng quy chế quản lý, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình về quản lý, thu gom, xử lý chất thải theo Đề án tổng thể về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường nông thôn.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chủ trì triển khai, nhân rộng các mô hình điểm về thu gom rác để làm phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp; tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp…Theo dõi công tác triển khai xây dựng thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại các huyện có thực hiện xây dựng hạng mục xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Đánh giá kết quả để tham mưu nhân rộng hiệu quả của mô hình.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức, triển khai công tác phân loại rác tại nguồn, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn vận động người dân tham gia, đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị bước đầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn nhằm mục đích giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng trước khi xử lý. Nghiên cứu kêu gọi đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt để hạn chế chôn lấp trực tiếp. Trước mắt, đối với các huyện Phong Điền, Quảng Điền cần rà soát, xây dựng phương án vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về xử lý tại Nhà máy Điện rác Phú Sơn để đảm bảo tiêu chí tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 50%. Triển khai việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn với tần suất ít nhất 1 lần/năm. Chỉ đạo hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt công tác diệt trừ các sinh vật ngoại lai gây hại.
Tiếp tục thực hiện các nội dung của Đề án chủ nhật xanh, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, huy động các tổ chức, cá nhân và nhân dân tham gia tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh, kênh mương, xử lý rác thải; hướng dẫn phân loại rác hữu cơ tại hộ gia đình; thu gom, xử lý rác thải tồn đọng tại các khu vực công cộng, trục lộ giao thông về các bãi rác tập trung để xử lý theo quy định. Rà soát, bố trí đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước thải; các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp đáp ứng yêu cầu về quy mô, công suất, chất lượng của tiêu chí môi trường nông thôn mới. Đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, ô nhiễm môi trường. Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án cấp huyện về cải tạo chất lượng và cảnh quan môi trường nước mặt khu vực công cộng; tổ chức theo dõi diễn biến chất lượng nước ao, hồ công cộng nằm trong khu dân cư nông thôn; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm.