Tìm kiếm tin tức
Triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau Covid-19
Ngày cập nhật 15/07/2020
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Kỳ họp

Trong chương trình kỳ họp thứ 10, HĐND khóa VII, sáng ngày 14/7, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời tiết diễn biến bất thường nhưng vẫn có những điểm sáng như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.015 tỷ đồng, bằng 53% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, có 500 doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ…

Nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh

Báo cáo về tình hình thực hiện KT- XH 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, tổng sản phẩm trong tỉnh – GRDP, ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh/thành trong vùng duyên hải miền Trung.

Đóng góp của các ngành, lĩnh vực như sau: Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất, tăng trưởng âm 2,26%, nhất là ngành du lịch; lượng khách quốc tế giảm 48,4%, khách nội địa giảm 43% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch giảm 41,2%; hầu hết các doanh nghiệp du lịch, vận tải... ngừng hoạt động từ tháng 2 đến tháng 4.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt thấp 3,05% so với cùng kỳ; từ đầu năm đến nay chưa có dự án mới đi vào hoạt động. Một số sản phẩm chủ lực  đều giảm do thiếu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, ảnh hưởng đến một số đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính EU, Mỹ; sản lượng bia giảm 1,8% so với cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất giảm 23,22% do lượng mưa thấp.

Về sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời tiết diễn biến bất thường; song sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng 0,84%  so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi gia súc được phục hồi, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng, kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển.

Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.015 tỷ đồng, bằng 53% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2020, có 500 doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ…

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2020 có thể đạt cao nhất 3,8%, do đó 6 tháng cuối năm GRDP phải đạt 6,8%, đây là một thách thức lớn trong khi tỉnh chưa thể đón khách nước ngoài trở lại. Cùng với đó, các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp chưa có thay đổi lớn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện… Do đó, cần phải có những đánh giá đầy đủ, phân tích rõ hơn những yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Theo báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - ngân sách 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, Ban kinh tế - ngân sách đề nghị UBND tỉnh tập trung quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhằm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, cải cách thủ tục hành chính.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với các công trình, dự án trọng điểm. Ưu tiên nguồn lực triển khai đề án di dời dân cư khu vực I - Kinh thành Huế. Đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Bắc Hương Sơ.

Rà soát tất cả các nguồn lực để có giải pháp điều hành dự toán thu, chi ngân sách; chủ động xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách trong điều kiện hụt thu ngân sách. Điều chỉnh, cơ cấu lại dự toán chi ngân sách phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương; tăng cường kiểm soát, thắt chặt chi thường xuyên của các ngành. Tăng cường giải pháp huy động nguồn thu tiền thuê đất, sử dụng đất các dự án lớn.

Tập trung giải pháp khôi phục phát triển du lịch. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, thì trong 6 tháng cuối năm vẫn ưu tiên, tập trung khai thác, thu hút khách du lịch nội địa; chú trọng các giải pháp kích cầu du lịch đối với thị trường khách trong tỉnh, “người Huế đi du lịch Huế”; tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thu hút mạnh du lịch hội nghị (MICE); đẩy mạnh quảng bá điểm đến; tổ chức thành công Festival Huế 2020.

Đối với công tác quản lý nhà nước về môi trường, đề nghị chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư vào địa điểm sản xuất tập trung ở các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quan tâm bố trí nguồn ngân sách đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận.

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.768.788
Truy cập hiện tại 57