Tìm kiếm tin tức
UBND tỉnh họp thông qua một số Quy định và Đề án trình HĐND tỉnh
Ngày cập nhật 09/10/2018

Chiều ngày 04/10, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chủ trì buổi họp với các thành viên UBND tỉnh và các địa phương để thông qua dự thảo một số Đề án, Quy định trình HĐND tỉnh. Tham dự buổi họp có ông Cái Vĩnh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo đó, các Quy định và Đề án, gồm: Quy định một số nội dung chi và mức chi đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Đáng chú ý là Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là Đề án thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 28/KH-UBND của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đề án này được UBND tỉnh giao UBND thành phố Huế chủ trì, phối hợp các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi khu vực I di tích Huế. Trong đó nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn triển khai làm cơ sở để UBND tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của UBND thành phố Huế, hiện khu vực 1 kinh thành Huế có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống. Do sống trong khu vực không đươc tu sửa, nâng cấp, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình đồi dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó, sống trong nhà tạm bợ nên các điều kiện về vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, có đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh xuống cấp.

Qua khảo sát thực địa với sự tham gia của các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Huế đã tham mưu UBND tỉnh Đềán di dời dân cư, giải phóng mặt  bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Dự kiến Đề ánđược phân thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (thực hiện trong năm 2019 - 2021) triển khai di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm: Tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (khoảng 2.938 hộ). Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2025di dời các hộ dân trong phạm vi di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành, di tích Trấn Bình Đài (khoảng 1.263 hộ).

Tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế khoảng 2.735 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1.880 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 855 tỷ đồng. Ngoài ra, phần hạ tng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105ha, tổng mức đầu tư 1.362 tỷ đồng. Song song với đó, phương án, chính sách hỗ trợ sinh kế cho 2.938 hộ dân và phương án phát huy giá trị di tích sau di dời dân cư cũng được đưa ra một cách cụ thể trong Đề án.

Thảo luận tại buổi họp, các ý kiến của sở, ngành, địa phương đều đồng tình cần phải gấp rút hoàn thành Đề án sớm trình các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét để có chính sách hỗ trợ. Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn đề nghị  UBND thành phố Huế và các sở, ngành liên quan cần rà soát kỹ càng các nội dung trong Đề án; nhất là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hiện hành để tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ di dời phù hợp nhằm hạn chế vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện sau này; UBND tỉnh cần gửi các nội dung của Đề án cho các Ban HĐND tỉnh thẩm định làm cơ sở pháp lý trình Trung ương xem xét phê duyệt.

Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng,  đây là một dự án lớn không chỉ nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại cũng như đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển KT- XH của tỉnh mà còn ổn định và nâng cao đời sống của hàng nghìn người dân sinh sống trong các khu vực di tích. Vì vậy, UBND thành phố Huế và các sở, ngành liên quan cần tập trung rà soát và nghiên cứu cụ thể trong từng giai đoạn thực hiện, nhất là đề xuất nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.  

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.771.732
Truy cập hiện tại 162