Tìm kiếm tin tức
Đoàn Khảo sát Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao
Ngày cập nhật 13/06/2019

Ngày 12/6/2019, Đoàn khảo sát của Trung ương do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Làm việc với Đoàn có đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thái Sơn - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đã được sự quan tâm, triển khai tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đối với công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương nói riêng. Hệ thống ngành nghề đào tạo ngày càng mở rộng, hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, khả năng của người học. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có sự chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng qua các năm. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng gắn bó. Doanh nghiệp tham gia ngày càng tích cực vào công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, từ công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất đến khâu đánh giá, công nhận kết quả đào tạo và tuyển dụng lao động… Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng: năm 2014 là 52%, năm 2018 tăng lên 64%. tỷ lệ người học sau khi qua đào tạo nghề tìm được việc làm đối với hệ sơ cấp là 80%; đối với hệ trung cấp tỷ lệ này là 85% và hệ cao đẳng là 90%. Tỷ lệ người học sau khi qua đào tạo nghề tìm được việc làm đối với hệ sơ cấp là 80%; đối với hệ trung cấp tỷ lệ này là 85% và hệ cao đẳng là 90%. Bên cạnh đó, không ít lao động được đào tạo đã áp dụng các kiến thức được học tự tạo việc làm tại địa phương. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, thay đổi tư duy lao động sản xuất của người lao động, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng nhìn chung hiện nay chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, năng lực nghề nghiệp của người lao động vẫn còn thấp; Vẫn còn tình trạng người lao động được tuyển dụng làm việc tại doanh nghiệp không vận hành được máy móc, trang thiết bị buộc phải đào tạo lại; Quy mô tuyển sinh các ngành nghề đào tạo trong những năm gần đây chưa đạt mục tiêu đề ra (khoảng 67%); Cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm gần 80%)…

Đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trường Đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đã trao đổi thông tin, giải trình để làm rõ thêm những ý kiến, nội dung phía Đoàn khảo sát nêu ra, nhất là vai trò của lực lượng lao động có tay nghề cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vấn đề đổi mới chương trình đào tạo, hình thức đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề; việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp…

Đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đề cập và nhấn mạnh một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Đoàn khảo sát Trung ương, như: quan tâm vấn đề quy hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo nghề nghiệp hợp lý, chặt chẽ và phát huy tính hiệu quả hơn nữa; chú trọng công tác dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đối với  từng tỉnh; các chính sách, cơ chế đối với đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao hiện nay…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà Thừa Thiên Huế đã đạt được qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 37; đồng thời đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo với ngành Lao động Thương binh và Xã hội cần tăng cường phối hợp trong việc triển khai phân luồng học sinh và công tác đào tạo nghề… Đoàn sẽ tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế để công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao ngày càng nâng cao về chất lượng và hiệu quả.

Bích Ngọc - BTGTU

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.770.986
Truy cập hiện tại 41