Trên cơ sở biên bản ghi nhớ về Chương trình thung lũng đô thị thông minh tại miền Trung Việt Nam được ký kết ngày 16/5/2019, từ ngày 18/9/2019 đến 30/4/2020 KOICA đã tiến hành nghiên cứu chương trình dựa trên thực tế các địa phương. Cụ thể, nhóm các chuyên gia đã phân tích năng lực cạnh tranh của các đô thị miền Trung và tiến hành khảo sát thăm dò dư luận với đối tượng là người dân và các cơ quan liên quan. Qua đó, xác định được tiềm năng về môi trường và nhân lực dồi dào cũng như sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, nhân sự cao cấp về đô thị thông minh của các địa phương. Thứ tự các dự án ưu tiên khi triển khai chương trình thung lũng Đô thị thông minh cũng được vạch ra nhằm hướng đến các giá trị về mặt xã hội - lấy con người làm trung tâm; phù hợp với điều kiện các đô thị khu vực miền Trung và đảm bảo sự hài hòa với các dự án đã có.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, chương trình Thung lũng đô thị thông minh sẽ tập trung cải thiện nguồn vốn con người, năng lực quản trị, quy hoạch đô thị và công nghệ thông qua việc thực hiện các dự án thành phần. Trong đó có các dự án mũi nhọn về quản trị thiên tai, văn hóa và du lịch, giáo dục, start-up, chăm sóc sức khỏe y tế và quản trị hành chính. Trong giai đoạn 1 (2020-2025), chương trình thực hiện các dự án thí điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh ở khu vực miền Trung. Giai đoạn 2026 - 2030, lan rộng chương trình và nâng cấp hệ thống, đảm bảo khả năng cạnh tranh so với các đô thị lớn ở khu vực phía Bắc và phía Nam cũng như môi trường quốc tế.
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Để xây dựng hệ thống quản trị đô thị thông minh khu vực miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và vận hành chương trình, hội nghị đã thảo luận và thống nhất việc thành lập Ban chỉ đạo Thung lũng Đô thị thông minh với sự góp mặt của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng và Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam.