Trong suốt 45 năm hình thành và phát triển, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã không ngừng hoàn thiện và phát triển về cả đội ngũ lẫn ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, cung cấp lực lượng lao động chính cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà và các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, góp phần làm tốt công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể thế giới và quốc gia như Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Huế, Tuồng - Múa hát Cung đình Huế.
Hiện tại, Trường đang sử dụng 12 chương trình đào tạo trung cấp, 04 chương trình đào tạo sơ cấp và liên kết đào tạo các ngành nghề trên 2 lĩnh vực: văn hóa và nghệ thuật, bao gồm các cấp học: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thuộc các hình thức đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học. Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo và liên kết đào tạo mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin cho tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy biểu dương những kết quả đạt được của Trường TCVHNT qua 45 năm hình thành và phát triển. Đồng chí nhấn mạnh, nhìn lại một chặng đường 45 năm, từ năm 1977 đến nay là thời gian đủ dài, qua bao thế hệ thầy, cô đã đào tạo các thế hệ học sinh trở thành nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú… góp phần quan trọng trong giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung và của và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thì nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về văn hóa, am hiểu sâu sắc văn hóa, biết phát triển văn hóa bền vững là yêu cầu và nhiệm vụ có tính cấp thiết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Nhà trường phải nhận thức được vai trò vô cùng qua trọng mình trong quá trình phát triển bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phải tự vươn lên để khẳng định thương hiệu của mình, nhiệm vụ của trường vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đối với những ngành đào tạo mang tính đặc trưng phải giữ gìn phát huy; tìm kiếm những lĩnh vực đặc trưng tạo nên thương hiệu, cần phải đưa ra đào tạo những ngành là thế mạnh cùa trường; đào tạo phải toàn diện, chất lượng giáo dục phải bảo đảm, có học bổng đặc thù cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên nhà trường cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu, nghiên cứu các giá trị văn hóa cổ truyền, văn hóa dân gian đang lưu truyền và thất lạc. Đồng thời, Nhà trường cần phải liên doanh, liên kết các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh; phối hợp các cấp, các ngành trong tỉnh đưa dân ca, dân vũ Huế... vào chương trình giáo dục địa phương; cũng như cố gắng phát huy cơ sở vật chất đang có tạo ra khuôn viên khang trang, sạch sẽ môi trường sư phạm văn hóa là trường kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn lãnh đạo Nhà trường cần phải chăm lo đời sống hơn thầy cô, bồi dưỡng các thế hệ thầy cô, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ. Cũng như mong muốn thầy, cô là người gieo mầm, tiên phong trong phong trào bảo vệ môi trường với các phong trào như “nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”, “60 phút đẹp nhà, sạch ngõ” hay “Chủ nhật Xanh”…
Phó Bí thư Thường trực hy vọng cùng năng lực, tình yêu học sinh cũng như sự cố gắng nỗ lực vươn lên, đội ngũ lãnh đạo, giáo viên nhà trường sẽ duy trì và phát huy những gì đã có để tiếp nối sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chiến lược phát triển chung của tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”.