Ngày 20/4/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển các trung tâm logistics trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa của tỉnh và xuất nhập khẩu hàng hóa góp phần giảm chi phí, thời gian trong việc trung chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phát triển các trung tâm logistics dựa trên sự huy động mọi nguồn lực xã hội, phát triển theo hướng đồng bộ chuyên nghiệp, tận dụng lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, hành lang giao thông để tạo sự phát triển bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đồng thời, phấn đấu thành lập một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tạo điều kiện hình thành các Trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1546/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 07 tháng 08 năm 2015 Phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Kế hoạch triển khai các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Đối với nội dung triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics: Rà soát, ban hành các văn bản triển khai phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. Nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics.
Đối với Đầu tư hạ tầng logistics sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh của Thái Lan, Lào.
Để Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ sẽ thực hiện Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến như: Công nghiệp phụ trợ, năng lượng, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến nông sản - thực phẩm, dược liệu... Từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác.
Phát triển thị trường dịch vụ logistics bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ. Khuyến khích sự liên doanh, liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin...) để triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường dạy nghề để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành.