UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 1605/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn năm 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp, định hướng phát triển từ 06 Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện, thị xã, thành phố có vị trí địa lý giáp với nhau; một số địa bàn trọng yếu, có điều kiện, nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại là cần thiết, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại được chia làm 02 giai đoạn (2021-2025 và 2026-2030):
Giai đoạn 2021 - 2025, xem xét thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn trong tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu của cá nhân, tổ chức, đáp ứng điều kiện thuận lợi để Văn phòng Thừa phát lại tồn tại và phát triển. Phấn đấu phát triển 03 Văn phòng Thừa phát lại theo vùng (các huyện, thị xã, thành phố có vị trí địa lý giáp với nhau); một số địa bàn trọng yếu, có điều kiện, nhu cầu thực hiện chế định Thừa phát lại.
Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu phát triển thêm 03 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo Đề án đã phê duyệt. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tiến tới thực hiện xây dựng mạng lưới Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của Chính phủ và Bộ Tư pháp để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tính đến nhu cầu tống đạt giấy tờ, văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án cũng như nhu cầu thi hành án dân sự của tổ chức và cá nhân. Lộ trình phát triển tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện như sau:
Trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), phấn đấu khuyến khích thành lập 03 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, hoặc địa bàn khác nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Trong 03 năm (2018-2020), số vụ việc thụ lý giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Huế là 5.103 vụ, chiếm 44,5% tổng số án được thụ lý giải quyết trong toàn tỉnh; Tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy là 1.154 vụ, chiếm 10,2%; Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc là 1.088 vụ, chiếm 9,6 %.
Số lượng án phải thi hành tại thành phố Huế là 4.980 vụ việc, chiếm tỷ lệ 36,1% tổng số vụ việc thi hành án trong toàn tỉnh; thị xã Hương Thủy là 1.664 vụ việc chiếm tỷ lệ 12%, tại huyện Phú Lộc là 1.654 vụ việc, cũng chiếm gần 12%. Do vậy, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) là phù hợp, đảm bảo sự phát triển ổn định của Văn phòng.
Trong giai đoạn 2 (2026 - 2030), phấn đấu khuyến khích phát triển thêm 03 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện A Lưới, hoặc địa bàn khác nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Như vậy, phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 07 Văn phòng Thừa phát lại.
Từ năm 2030, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tiến tới thực hiện chủ trương phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát lại đủ về số lượng theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 10 Văn phòng.