Tìm kiếm tin tức
Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu
Ngày cập nhật 09/10/2018
Hội nghị Trung ương 8, khóa XII
Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đặt ra từ lâu, nhưng tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tiếp tục được đưa ra thảo luận với nội dung mới hơn nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

 

Nêu gương - vấn đề xuyên suốt

Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân dân ngày 03/02/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. “Đi trước” là sự tiên phong, gương mẫu trong cả lời nói và việc làm theo trách nhiệm, cương vị của mỗi cán bộ, đảng viên; “Làng nước” được hiểu là quần chúng nhân dân. Có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu để nhân dân làm theo. Khi nói về nêu gương “người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, tính giáo dục sâu sắc. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta rất chú trọng đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”, Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, lần đầu tiên Đảng chính thức đưa vấn đề đạo đức trở thành một trong bốn trụ cột trong công tác xây dựng Đảng. Đó là “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011“về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… Điều này cho thấy vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà mấu chốt là vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Những văn bản này đã trở thành tiêu chí, chuẩn mực để cán bộ, đảng viên tự soi mình, hoàn thiện mình cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đây là phương pháp rất đúng đắn và hiệu quả.  

Trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ cấp cao

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đặt ra từ lâu, nhưng những chủ trương, quy định của Đảng chủ yếu nêu lên trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các cấp nói chung. Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương (khoá XII) diễn ra từ ngày 02/10 đến 06/10 đã xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Điểm cốt lõi của dự thảo Quy định mới này là “cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu” và chỉ ra nhóm đối tượng cụ thể trong nêu gương là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư,  Ủy viên BCH Trung ương Đảng… Dự thảo Quy định nhấn mạnh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, các Ủy viên Trung ương Đảng phải chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng; không ngại khó khăn; sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh của của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…

Việc Đảng quy định trách nhiệm nêu gương đối với nhóm cán bộ cấp cao xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng đã kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu). Từ năm 2013 đến nay, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Những sai phạm trên đã làm thất thoát tài sản của nhà nước, gây bức xúc dư luận. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì quyền lực càng lớn, nếu không có quy định rõ ràng, cụ thể thì sẽ không ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng tham nhũng, lạm quyền, trục lợi… Quy định mới một mặt vừa mang tính khuyến khích, động viên, mặt khác mang tính cảnh báo, răn đe.

Nếu được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 thông qua sẽ là quy định rất có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng ta, phòng chống các tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tham nhũng, lạm quyền, lợi ích nhóm… Từ đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng để tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bích Ngọc

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.285.822
Truy cập hiện tại 64